|
ページビュー:
font-size: A- A A+
Xuân Lương là một xã vùng cao nằm ở phía Tây Bắc huyện Yên Thế. Phía Đông Bắc giáp xã Canh Nậu, phía Đông Nam giáp xã Tam Tiến, phía Tây giáp xã Hợp Tiến (huyện Đồng Hỷ), phía Bắc giáp xã Liên Minh (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên).

 Năm 2020, xã có diện tích tự nhiên 2.520,44ha, có 15 dân tộc anh em cùng chung sống ở 14 bản, trong đó: Dân tộc Kinh có 1.137 hộ, 4.551 nhân khẩu, dân tộc Cao Lan 376 hộ, 1.262 nhân khẩu, dân tộc Tày 120 hộ, 378 nhân khẩu, dân tộc Nùng có 57 hộ (225 nhân khẩu), dân tộc Dao có 48 hộ (135 nhân khẩu), dân tộc Sán Dìu có 36 hộ (98 nhân khẩu), dân tộc Sán Chí có 6 hộ, còn lại là các dân tộc Mường, Sách, Khơ Me, Pà Thèn và Thái.

Xuân Lương xưa kia là một vùng rừng núi rậm rạp chủ yếu là rừng nguyên sinh có nhiều gỗ, thú quý hiếm, núi rừng trùng điệp tạo nên cảm giác hiểm trở. Dưới các chân đồi là những cánh đồng màu mỡ và khu dân cư, tuy đồi núi nhiều nhưng không cao. Trong những năm trước đây, do cuộc sống có nhiều khó khăn nhân dân phá rừng làm nương rẫy do đó diện tích rừng tự nhiên cơ bản không còn. Do nhận thấy tầm quan trọng của rừng tới phát triển kinh tế và xã hội nên 100% diện tích đồi núi đã được phủ xanh. Đến năm 2020, diện tích rừng tự nhiên của xã là 160ha.

Xã có nhiều khoáng sản quý như: Quặng sắt, vàng sa khoáng, có nhiều đặc sản trong đó phải kể đến chè xanh bản Ven, chè hoa vàng, dên núi, mật ong rừng, lợn hương… ngoài ra còn có các cây dược liệu quý như: sa nhân, ba kích, hoài sơn, chè hoa vàng, sâm xiên đá…

Xã Xuân Lương thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nằm trong vòng cung Đông Triều, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm là 23,40C; tháng có nhiệt độ cao nhất là các tháng 6, 7, 8; tháng có nhiệt độ thấp nhất là các tháng 12, 01, 02.Khí hậu Xuân Lương tương đối ôn hòa, thích hợp cho việc trồng các loại cây á nhiệt đới như: chè, cam, quýt, vải thiều, nhãn, hồng, dứa... và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Nằm trên trục đường 292 nối liền từ Bắc Giang đi Thái Nguyên, cách trung tâm huyện Yên Thế 14km, mạng lưới giao thông đường bộ của Xuân Lương trong những năm gần đây được mở mang, nâng cấp tới trung tâm các bản. Đường Tỉnh lộ 292 (nay là Quốc lộ 17)nối liền từ Bắc Giang đi Thái Nguyên tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và giao thương của nhân dân. Một số tuyến đường liên xã được sửa chữa, nâng cấp như: Đường trung tâm xã đi bản Xoan và xã Liên Minh (huyện Võ Nhai), đường liên thôn đi từ bản Mỏ đi xóm Hữu Nghị (xã Hợp Tiến) và đi xã Tân Thành (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), thuận tiện tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng giao lưu, buôn bán với các xã bạn.

Xuân Lương còn có hệ thống sông, suối nhỏ: Sông Xoan chảy qua Xuân Lương là ranh giới giữa Xuân Lương và xã Canh Nậu, suối Tam Kha là ranh giới giữa xã Xuân Lương và xã Hợp Tiến, ngoài ra còn có suối La Bóc, suối Ven tất cả các sông suối trên đều là các nhánh đầu nguồn Sông Thương. Qua đó góp phần thuận lợi cho việc tưới tiêu. Có Hồ Ngạc Hai được hoàn tành năm 1991, đập Suối Ven được hoàn thành năm 2007, Sông suối ở Xuân Lương không có giá trị to lớn về thuỷ lợi,phát triển Du lịch còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt Xuân Lương còn có điểm du lịch Thác ngà lằm ở bản Xoan xã Xuân Lương; Trong thời kỳ đổi mới, nhân dân Xuân Lương đã từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng xuất cao, chất lượng tốt vào sản xuất theo quy mô hàng hóa, ngoài ra còn phát triển các loại hình dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch do đó đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét, bộ mặt của địa phương ngày một thay da đổi thịt theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá.

Xuân Lương có 14 bản đó là: Xuân Môi, Na Lu, Làng Dưới, Nam Cầu, Mỏ, Tam Kha, Đồng Gia, Làng Trên, Cầu Nhãn, Đồng Gián, Nghè, Thượng Đồng, Ven, Xoan.

 Có nhiều dòng họ như: họ Nông ở Làng Trên, họ Kim ở Làng Dưới, họ Trần và họ Ninh ở Xuân Lung, ngoài ra còn có nhân dân từ Tân Yên, Bắc Ninh, Hưng Yên... lên làm ăn sinh sống. Năm 1963, có 47 hộ với 238 nhân khẩu ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định lên xây dựng kinh tế mới, thành lập 2 bản là bản Nam Cầu và bản Đồng Gián. Sống trong điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhân dân Xuân Lương đã sớm biết phát huy tiềm năng nơi đây để tạo dựng cuộc sống mới. Trải qua quá trình mở làng, lập ấp với sự cần cù, sáng tạo của mình đã tạo nên những cánh đồng màu mỡ để cấy lúa, trồng hoa màu và một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế.

Truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân Xuân Lương ngày càng được nối tiếp, trưởng thành cùng với sự đổi mới và phát triển chung của đất nước. Đến nay, Xuân Lương là một trung tâm kinh tế, văn hóa của các xã trong vùng. Với các loại hình kinh tế phát triển đa dạng như: dịch vụ, chế biến nông - lâm sản, làm vườn, chăn nuôi, trồng rừng... nhiều hộ đã có thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Xuân Lương có chợ ở trung tâm xã. Các phiên chợ đóng vai trò quan trọng bởi đó vừa là nơi trao đổi hàng hóa vừa là nơi giao lưu văn hóa của nhân dân trong xã với các địa phương khác. Chợ Xuân Lương họp mỗi tháng 12 phiên vào các ngày 2, 5, 7, 10, 12, 15, 17, 20, 22, 25, 27 và 30 hằng tháng rất thuận tiện cho lưu thông trao đổi buôn bán hành hóa, nông sản của địa phương.

Nằm trên trục đường giao thông 292 (Quốc lộ 17)từ Bắc Giang đi Thái Nguyên, từ trung tâm xã đi Võ Nhai, đi Phú Bình đều thuận lợi, vì thế Xuân Lương là nơi giao lưu văn hóa của một vùng. Do vậy, nơi đây có một số công trình lịch sử, văn hóa được Nhà nước xếp hạng.

Đình làng Xuân Lung ở giữa làng Xuân Lung, xã Xuân Lương thờ 2 vị Đức thánh Cao Sơn và Quý Minh là những người có công với dân, với nước. Năm 2004, đình được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 84/QĐ-CT ngày 30/01/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Đình Xuân Lung - Di tích cấp tỉnh huyện Yên Thế

Đình Quỳnh Động tọa trên một gò đất thấp giữa cánh đồng của bản Làng Trên, xã Xuân Lương, đình được hoàn thành vào ngày mồng 5 tháng 11 năm Ất Tỵ (năm 1905). Đình thờ thành hoàng làng đức thánh Cao Sơn - Quý Minh và Đề Lam một vị tướng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. Năm 2008, đình được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 19/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Đình Na Lương tọa tại bản Làng Dưới, xã Xuân Lương. Đình thờ 2 vị Đức thánh Cao Sơn và Quý Minh là thành hoàng làng. Năm 2009, đình Na Lương được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa theo Quyết định số 2487/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Đền Giếng Sấu tọa lạc dưới chân núi Non, thuộc trung tâm bản Làng Dưới, xã Xuân Lương. Hiện nay, đền Giếng Sấu còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật quý như hệ thống tượng thờ bằng gỗ. Năm 2012, đền Giếng Sấu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2002/QĐ-UBND ngày 17/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang.

Đền Giếng Sấu - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Ngoài ra, trên địa bàn xã có cây Lim xanh 1.100 năm tuổi ở bản Nghè xã Xuân Lương được công nhận là Cây Di sản Việt Nam theo Quyết định số 491/QĐ-HMTg ngày 20/10/2016 của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam.

Cây Lim 1000 tuổi - xã Xuân Lương - huyện Yên Thế - Băc· Giang

Năm 2017, khu di tích sinh thái Thác Ngà được huyện phê duyệt, quy hoạch là nơi du lịch sinh thái cùng quần thể Trung tâm Đình Xuân Lung và Cây Lim Di Sản 1000 năm tuổi được công nhận. Đặc sản Chè Xanh Bản Ven được ghi nhận là 1/10 loại chè ngon của cả nước có địa chỉ, chỉ dẫn rõ ràng được bảo hộ nhãn hiệu với yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa đó đã được Tỉnh, Huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mở rộng khu Đình Làng Xuân Lung, Khu vực Cây Lim Di Sản.

 

アクセス中: 12,286
1日当たりのページのアクセス回数: 165
1週間当たりののページのアクセス回数: 435
1か月当たりのページのアクセス回数: 5,776
1年間当たりのページのアクセス回数: 18,650
ページのアクセス回数 : 38,597